Tết Nguyên Đán không chỉ là dịp đoàn viên gia đình, mà còn là lúc chúng ta nhìn lại những giá trị truyền thống đẹp đã nuôi dưỡng tâm hồn người Việt. Trong bối cảnh đó, workshop “Bé làm bánh chưng – Mang Tết về nhà” do THedu tổ chức đã khép lại với nhiều dấu ấn và cảm xúc. Sự kiện thu hút hơn 30 bé cùng gia đình tham gia, trở thành mốc đáng nhớ trong hành trình mang lại những hoạt động kỹ năng sống ý nghĩa bên cạnh đào tạo học thuật của THedu.

Hoạt động gói bánh chưng: Điểm nhấn đặc biệt
Những bàn tay nhỏ xíu của các bé vụng về nhưng đầy nỗ lực khi gấp lá, đong gạo, chia nhân đậu và thịt. Từng thao tác được hướng dẫn tỉ mỉ bởi các giáo viên và phụ huynh. Có em học sinh hào hứng chia sẻ:
“Chiếc bánh đầu tiên của em không được vuông lắm, nhưng chiếc thứ hai thì em đã gói đẹp hơn rất nhiều. Em rất vui khi được mang bánh về khoe với gia đình.”

Tại workshop, ban tổ chức đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu như lá dòng, gạo nếp, đậu xanh, thịt heo và dây lạc. Đặc biệt, mỗi khu vực đều có giáo viên hướng dẫn tận tình, giúp các bé tự tay hoàn thiện những chiếc bánh chưng đầu đời.
Chị Trần Thị Huyền Trâm, phụ huynh tham gia workshop chia sẻ: “Hoạt động này rất có ý nghĩa, giúp các con trải nghiệm nét văn hoá đặc trưng của ngày Tết mà trẻ em thành phố thường ít có cơ hội thực hiện.”

Bé Phạm Trần Yến Nhi, học sinh tham gia workshop, hồ hởi: “Con đã gói được 2 chiếc bánh chưng. Chiếc đầu tiên chưa đẹp lắm nhưng chiếc thứ hai thì hoàn hảo hơn nhiều.”
Các em không chỉ học cách làm bánh chưng mà còn được lắng nghe câu chuyện về ý nghĩa của chiếc bánh – một biểu tượng của sự tri ân và đoàn viên trong văn hóa Tết Việt.
Kết nối gia đình qua họat động nhân văn
Workshop không chỉ tập trung vào việc gói bánh mà còn tạo nên không gian gắn kết gia đình. Chị Nguyễn Thị Song Trà, Giám đốc THedu, nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn mang đến không gian để cả gia đình cùng tham gia, cùng học, cùng làm và chia sẻ niềm vui. Hoạt động gói bánh chưng không chỉ hướng dẫn cách gói bánh mà còn kể về sự biết ơn và sẻ chia, những giá trị cốt lõi của Tết Việt.”
Gia đình chị Trần Thị Huyền Trâm cũng chia sẻ rằng buổi workshop đã mang lại hương vị Tết trên quê hương, dù năm nay gia đình không về quê: “Gia đình tôi không về quê dịp Tết này, nhưng nhờ workshop, chúng tôi cảm nhận được không khí Tết cổ truyền ngay giữa lòng thành phố. Đây thực sự là một hoạt động ý nghĩa và đáng trân trọng.”

Không khí tại buổi workshop càng thêm ấm áp với sự tham gia của các giáo viên, như cô Hồ Thị Quỳnh Nga – người từng sống và học tập ở nước ngoài trong nhiều năm. Cô chia sẻ rằng, được tham gia gói bánh chưng giúp cô sống lại ký ức tuổi thơ và cảm nhận rõ nét hơn về giá trị văn hóa Việt Nam.
Định hướng phát triển tương lai của THedu
Không chỉ là dịp để trải nghiệm, workshop còn mang đến nhiều bài học sâu sắc. Từ câu chuyện về ý nghĩa chiếc bánh chưng – biểu tượng của đất trời, đến những giá trị cốt lõi của Tết Việt như lòng biết ơn và sự sẻ chia, các em nhỏ được dạy cách trân trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Workshop “Bé làm bánh chưng – Mang Tết về nhà” chính là minh chứng cho triết lý giáo dục toàn diện của THedu: không chỉ đào tạo kiến thức học thuật mà còn bồi dưỡng những giá trị nhân văn và kỹ năng sống cho học viên.

Trong năm 2025, THedu cam kết sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động bổ ích, giúp học sinh:
- Hiểu và trân trọng văn hóa dân tộc: Qua các workshop thực hành như làm bánh chưng, trò chơi dân gian, tìm hiểu văn hóa vùng miền…
- Phát triển kỹ năng mềm: Các chương trình đào tạo sẽ hướng tới việc rèn luyện tính tự lập, sự sáng tạo và khả năng làm việc nhóm.
- Kết nối yêu thương: Mỗi hoạt động ngoại khóa sẽ là cầu nối gắn kết giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng.
Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động ngoại khóa sẽ được tổ chức hằng tháng trong năm 2025 để mang lại trải nghiệm học tập khác biệt cho học sinh, sinh viên TP Hồ Chí Minh.